• Vietnamese
  • English
27/01/2016

Hàng trăm dự án bất động sản TP. HCM “chết lâm sàng”

Những ngày đầu năm luôn là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp, nhà đầu tư bắt tay và đẩy mạnh thực hiện các dự án BĐS cho năm mới. Tuy thế, TP Hồ Chí Minh lại đang chứng kiến những sự việc bất thường đó là hàng trăm dự án BĐS đang điêu đứng và ở trạng thái “chết lâm sàng”. Cùng XME tìm hiểu rõ hơn vấn đề này qua bài viết sau.

hang-tram-du-an-bds-ho-chi-minh-chet-lam-san
Có đến 405 dự án chưa khởi công, 97 dự án đã phải tạm ngừng thi công

Thông tin này được công bố bởi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1.409 dự án, trong đó, đã có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn văn bản chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai lại có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Ông cho biết thêm: "Nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,18% tổng số dự án, và đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản".

Nguyên nhân của tình trạng các dự án bất động sản không thể triển khai là do vướng đền bù giải tỏa, nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% diện tích đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể tự thỏa thuận đền bù được. Có dự án được Nhà nước chỉ định chủ đầu tư nhưng cũng vì vướng khâu giải phóng mặt bằng nên không triển khai được.

bat-dong-san-ho-chi-minh
Dự án Kenton Residences (quận 7, TP.HCM ) đã phải dừng thi công từ năm 2008 vì thiếu vốn

Có thể kể đến như Liên danh Công ty Sumitomo Realty & Development và Công ty Hongkong Land được chỉ định chủ đầu tư dự án 164 Đồng Khởi, quận 1 nhưng đã xin trả lại dự án vì không được xác định rõ thời điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổng chi phí tạo lập quỹ đất dự án này). Dự án Kenton Residences tại quận 7, Tp.HCM cũng ngừng thi công do không đủ vốn. Do vậy, ông Châu cho biết các doanh nghiệp rất cần được Nhà nước có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.

Đại diện cho HoREA, ông Châu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư trong trường hợp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án được từ 80% diện tích trở lên để sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện, tránh lãng phí thời gian, làm tăng chi phí đầu tư và có thể bị mất cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng nên xem xét hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tiếp dự án. Đây là cách giúp ngân hàng có thể thu hồi lại vốn đã cho vay mà đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tiếp tục theo dự án, hoàn thành các công trình đang bỏ dở.
http://xme.com.vn/