• Vietnamese
  • English
25/11/2015

Quy trình quản lý, giám sát chung cư còn lỏng lẻo

Tốc độ phát triển nhanh chóng của hàng loạt chung cư từ bình dân đến cao cấp đã khiến bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Tuy nhiên, quy trình quản lý của các cơ quan chức năng vẫn còn lỏng lẻo và quyền lợi của khách mua nhà bị ảnh hưởng.

Để gia tăng diện tích sử dụng, cũng như tối đa hóa lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư đã cố tình xây dựng sai phép nhiều hạng mục chung cư. Đáng lo ngại là tình trạng này có xu hướng ngày càng phổ biến.

Diện tích chung bị xà xẻo

Cư dân tại chung cư Thăng Long Garden (Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, chủ đầu tư là Công ty CP May Thăng Long đã xây dựng các công trình sai so với phương án kiến trúc được duyệt cùng Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trên bản vẽ Mặt bằng quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500 được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội duyệt, tổng diện tích cây xanh, vườn hoa là 2.705 m2, chiếm 20,5% diện tích đất dự án, tổng diện tích đất giao thông, đỗ xe là 5.835 m2, chiếm 44,2% diện tích đất dự án. Tuy nhiên, nhiều diện tích cây xanh, thảm cỏ, bãi xe tại dự án này đã bị chủ đầu tư chiếm dụng và xây dựng thành các tòa nhà.

quan-ly-chung-cu-long-leo
Căn penthouse xây dựng trái phép tại chung cư Sky City

Cụ thể, theo quy hoạch, khu đất trước tòa nhà A3 được bố trí là đất cây xanh, sân chơi trẻ em, bãi đỗ xe nhưng thực tế, khu vực này đã biến thành một tòa nhà cao 3 tầng, 1 tầng hầm có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.000 m2, và được ghi rõ là “Tòa nhà ban quản lý dự án - Công ty cổ phần May Thăng Long”. Bà Lê Ngọc Ánh, người dân tòa nhà A3 bức xúc: “Tòa nhà xây trái phép đã lấn chiếm hết cả sân chơi của trẻ em, người già. Đồng thời, nếu có hỏa hoạn, xe cứu hỏa cũng khó tiếp cận để chữa cháy”.

Một vị trí khác trước tòa A2, theo thiết kế là bể ngầm, thảm cỏ nhưng thực tế lại biến thành tòa nhà 2 tầng và 1 sân tennis trên mái. Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã có kết luận khẳng định sai phạm của chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã tự phá dỡ phần xây sai phạm là nhà ăn 2 tầng và nhà kho bê tông cốt thép. Mới đây, Sở Xây dựng đã tổ chức cưỡng chế phần xây dựng sai phạm còn lại.

Trong khi đó, tại chung cư Golden Palace (Mễ Trì, Từ Liêm), hàng trăm hộ dân đã ký vào đơn kiến nghị chủ đầu tư giải thích về phần diện tích gần 8.700 m2 đất đã bị chủ đầu tư xây dựng nhiều công trình như nhà để máy phát điện, khu để xe của công ty, khu để các cục nóng điều hòa... Theo các hộ dân, toàn bộ mặt bằng khu đất hơn 16.300 m2, ngoài diện tích xây dựng khối đế của tòa nhà hơn 7.600 m2 và một số diện tích khác dành cho đường đi nội bộ thì phần còn lại 8.700 m2 là diện tích cây xanh tạo cảnh quan.

Về phía chủ đầu tư, Công ty CP đầu tư Mai Linh, cho rằng diện tích đó thuộc quyền quản lý, định đoạt của công ty. Không có được tiếng nói chung, các cư dân tại chung cư đã đề nghị chủ đầu tư tạm dừng xây dựng để hai bên cùng làm rõ các vấn đề liên quan.

“Đội” thêm tầng

Mới mục đích tăng diện tích xây dựng để bán, nhiều dự án chung cư đã xây dựng vượt quá số tầng được duyệt. Chung cư Sky City (88 Láng Hạ, Hà Nội) được phép thi công 2 tòa nhà A và B, mỗi tòa 33 tầng và 3 tầng hầm theo giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, theo ông Đặng Trọng Hiếu, Trưởng ban quản trị chung cư, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Hanotex đã xây dựng một số hạng mục sai phép khiến cư dân rất bức xúc.

“Chủ đầu tư đã tự ý cơi nới thêm các căn hộ penthouse (căn hộ nằm trên tầng cao nhất của tòa nhà hay còn gọi là căn hộ thông tầng) tại tầng kỹ thuật mái và tầng mái của cả 2 tòa nhà A, B. Điều này là sai so với giấy phép xây dựng cũng như sai mục đích sử dụng, gây thấm nước cho một số căn hộ bên dưới”, ông Hiếu cho biết.

giam-sat-chung-cu
Nhiều dự án chung cư xây dựng vượt quá số tầng được duyệt

Được biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và ngày 10/9 đã có văn bản kết luận về hàng loạt sai phạm của Công ty Hanotex. Chủ đầu tư đã thừa nhận xây thêm ở tòa A hai căn penthouse, tòa B bốn căn từ năm 2010 và đã bán cho khách hàng. Sở Xây dựng cũng kết luận chủ đầu tư xây dựng sai so với giấy phép được cấp khi dùng nửa diện tích tầng kỹ thuật tòa nhà B để làm văn phòng cho thuê.

Thời gian qua, dư luận xã hội cũng đặc biệt quan tâm đến vụ việc vi phạm trật tự xây dựng tại dự án tòa nhà trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội). Công trình này đã không thực hiện việc giật cấp, đồng thời xây vượt chiều cao khoảng 16 m (tương đương 5 tầng) nhằm tăng diện tích xây dựng thêm hơn 6.100 m2. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt, ngày 15/11, chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực đã nộp phương án tự phá dỡ phần xây dựng sai phép.

Thực trạng xây dựng sai phép đang diễn ra ở nhiều khu chung cư của Hà Nội. Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, 9 tháng năm 2015, qua kiểm tra 16.325 công trình trên địa bàn Thủ đô đã phát hiện hơn 400 trường hợp xây sai phép, 20 trường hợp xây sai quy hoạch, sai thiết kế, trong đó có nhiều trường hợp là các khu chung cư. Tình trạng này là do ý thức tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư còn kém và có cả sự “thương lượng chia sẻ lợi ích” của một số người có trách nhiệm giám sát, xử lý vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định: “Đây không phải là chuyện nhỏ. Hiện nay, quản lý đô thị của chúng ta đang tùy tiện. Nếu không quản lý nghiêm, tình trạng này sẽ còn lan rộng. Không thể để ai muốn làm gì thì làm”.
http://xme.com.vn/